Cách chọn và sử dụng kem chống nắng đúng và phù hợp với bạn

Để làn da được chăm sóc và bảo vệ tuyệt đối thì kem chống nắng chính là siêu phẩm không thể thiếu trong túi xách của bất kì chị em nào, thậm chí là các anh cũng đang ngày càng chú ý đến kem chống nắng hơn. Bên cạnh kem dưỡng ẩm, serum, lotion, kem chống lão hóa hay collagen tươi giúp tái tạo, phục hồi cho làn da thì kem chống nắng chính là dũng sĩ bảo vệ làn da bạn đầu tiên trước những tác động có hại của môi trường, đặc biệt là tia cực tím từ ánh sáng mặt trời. Bài viết này sẽ giúp các bạn chọn và sử dụng kem chống nắng một cách đúng nhất.

Ngày đăng: 27.10.2022

1. Cách chọn kem chống nắng phù hợp

1.1 Phân biệt kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học

Hiện nay có rất nhiều thương hiệu kem chống nắng khác nhau, mỗi loại đều có những mẫu mã với tính chất khác nhau như kem chống nắng dạng xịt,dạng gel, dạng sữa,... với giá thành khác nhau. Nhưng nhìn chung, chúng được chia làm 2 loại chính là kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học

Kem chống nắng vật lý

Kem chống nắng vật lý thường được biết đến với tên Sunblock

Thành phần: thường dùng là Kẽm Oxit (ZnO) và Titanium Dioxide (TiO2). Kẽm  Oxit ngăn được hoàn toàn UVA và UVB, còn Titanium Oxit ngăn được chỉ khoảng 50%. 

Cơ chế: phản xạ và khuếch tán, tạo lớp màng chắn bảo vệ giúp ngăn chặn, phát tán và phản xạ tia UV, khiến chúng không thể xuyên qua da được

Ưu điểm:

  • Rất lành cho da, ít gây kích ứng và bền vững dưới nắng 

  • Hoạt động ngay tức thì sau khi sử dụng lên da mà không cần chờ thời gian thẩm thấu.

  • Kẽm Oxit (ZnO) và Titanium Dioxide (TiO2) rất an toàn. Vì vậy sunblock là sự lựa chọn tốt cho trẻ em và những người có da nhạy cảm.

  • Bền vững trong thời gian lâu khi da tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp (không phải trong môi trường nước và ẩm)

Nhược điểm

  • Kem nằm trên bề mặt da như một lớp áo, nên chất kem có thể gây bí da, khiến lỗ chân lông không được thông thoáng, gây nhờn rít

  • Kem chỉ nằm phía ngoài làn da nên nếu sở hữu làn da dầu hoặc thường xuyên đổ mồ hôi như khi bạn hoạt động ngoài trời quá nhiều mồ hôi có thể làm trôi lớp kem chống nắng và bạn sẽ phải bôi một lớp kem mới.

  • Chất kem thường sẽ có màu trắng và không tiệp vào da, khó sử dụng khi bạn trang điểm thêm.

Kem chống nắng hóa học

Kem chống nắng hóa học thường được biết đến với tên Sunscreen

Thành phần: nhiều chất hóa học khác nhau kết hợp lại, mỗi chất có khả năng lọc được một phần tia UVA và UVB kết hợp lại cho tác dụng bảo vệ da toàn diện.

Cơ chế: hoạt động như màng lọc hóa học giúp hấp thu và thẩm thấu các tia UV trước khi các tia này có thể làm tổn hại đến da .

Ưu điểm

  • Chất kem thường mỏng nhẹ, thấm nhanh vào da, không làm da bạn bóng dầu và trắng xóa 

  • Dễ dàng phối hợp thêm nhiều tinh chất dưỡng da khác trong quy trình dưỡng da.

  • Có nhiều loại với các chỉ số SPF khác nhau và có cả loại có khả năng kháng nước, phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng

Nhược điểm

  • Không bền vững dưới nắng khi bạn tiếp xúc trực tiếp, dù ở môi trường khô ráo  nên sau 2h thì bạn nên bôi lại

  • Phải chờ 15-20 phút để kem thẩm thấu vào da trước khi ra nắng

  • Tăng khả năng kích ứng cho da, đặc biệt với những bạn sở hữu làn da khô thiếu độ ẩm.

Đặc biệt hiện nay trên thị trường có các dòng sản phẩm chống nắng là “con lai” giữa vật lý và hóa học để bạn thỏa sức lựa chọn phù hợp với đặc tính làn da của mình.

1.2 Cách chọn kem chống nắng phù hợp cho làn da

Kem chống nắng cho da nhạy cảm

Nếu bạn sở hữu làn da nhạy cảm thì thành phần bạn cần tránh xa đó là oxybenzone và PABA, tức là nên nói không với kem chống nắng hóa học. 

Kem chống vật lý thường rất ít khi chứa các thành phần gây kích ứng da, và đó sẽ là lựa chọn thích hợp dành cho bạn.

Kem chống nắng cho da dầu hay hỗn hợp dầu

Đặc tính là làn da dầu là khó chịu nhất và dễ có vấn đề nhất nên kem chống nắng cho da dầu cũng khắt khe hơn những loại da khác. Vì kem chống nắng cho da dầu phải có yếu tố giúp kiềm dầu, tránh nhờn rít gây bít lỗ chân lông hay nổi mụn. Bạn nên chọn các loại kem chống nắng có chứa từ “No Sebum” (không gây nhờn) hoặc "Oil Free" (không dầu) trên bao bì, hoặc các loại kem chống nắng dạng gel, nước hoặc dạng xịt để tránh gây bí da

Kem chống nắng vật lý có thể  không phù hợp cho làn da dầu vì có thể làm bí bách thêm cho làn da. Nên kem chống nắng hóa học với kết cấu mỏng nhẹ và khả năng thấm hút nhanh là sự lựa chọn phù hợp với bạn 

Kem chống nắng cho da khô    

Dưỡng ẩm là điều cực kỳ cần thiết và quan trọng đối với làn da khô. Chính vì vậy, khi lựa chọn kem chống nắng có chứa chất dưỡng ẩm cho da là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, không thể quên thoa thêm một lớp kem dưỡng trước khi dùng kem chống nắng. Để che chắn và cấp ẩm tốt nhất cho làn da của bạn, tránh việc lão hóa hay mất nước khi làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Kem chống nắng cho da mụn

Loại kem chống nắng có kết cấu kem nhẹ và không chứa dầu, không gây bít lỗ chân lông thì mới có thể phù hợp với làn da mụn. Vì với loại da này cần tránh tối đa sự viêm nhiễm và bít lỗ chân lông. Bạn cần chọn kem chống nắng có viết trên nhãn là “Non-Comedogenic” (không gây bít lỗ chân lông), tránh xa khỏi các loại kem chứa chất dẫn xuất, cồn, mùi hương, oxybenzone và PABA.

Một lớp kem chống nắng vật lý vừa đủ cho làn da mụn và dễ bị bít lỗ chân lông là sự lựa chọn tốt hơn hẳn kem chống nắng hóa học.

2. Cách sử dụng kem chống nắng hiệu quả:

Lựa chọn kem chống nắng phù hợp cho từng loại da

Không phải bất cứ loại kem chống nắng nào cũng cho hiệu quả như mong muốn. Chính vì vậy cần xác định kem chống nắng đó có phù hợp với làn da của bạn hay không trước khi sử dụng.

Lưu ý nếu như bạn sở hữu làn da dầu hay da nhạy cảm, thì việc sử dụng kem chống nắng phải vừa có tác dụng che chắn cho làn da của bạn nhưng không được làm tệ đi tình trạng da của bạn như gây kích ứng hoặc đổ dầu nhiều hơn.

Sử dụng đúng quy trình

Sử dụng kem chống nắng sau các bước dưỡng da và trước khi trang điểm. Nếu bạn không trang điểm thì kem chống nắng sẽ được dùng cuối cùng.

Đặc biệt luôn ghi nhớ rằng phải làm sạch da trước khi dùng kem chống nắng. Sử dụng sữa tắm cho toàn thân hoặc sữa rửa mặt để rửa mặt nhằm loại bỏ hết bụi bẩn và bã nhờn tích tụ trên bề mặt da, giúp lỗ chân lông thông thoáng để da dễ dàng thẩm thấu kem, không gây ra hiện tượng nhờn rít hay nổi mụn

Dùng một lượng vừa đủ

Chỉ nên thoa một lớp mỏng, vừa đủ thấm vào da là được. Cần loại bỏ suy nghĩ rằng cứ dùng càng nhiều, thoa một lớp càng dày thì càng chống nắng tốt. Điều này hoàn toàn ngược lại, thoa càng nhiều không làm tăng thêm tác dụng mà còn gây bít lỗ chân lông, dễ gây ra mụn, sinh nhờn, thậm chí gây kích ứng và tình trạng lão hóa.

Thời gian thoa kem trước khi ra nắng

Dù là dạng vật lý hay hóa học thì tốt nhất bạn hãy dùng kem chống nắng trước khi đi ra nắng khoảng 15 – 20 phút. Thời gian này đủ để giúp dưỡng chất trong kem thẩm thấm hết vào da và đã sẵn sàng để bảo vệ da.

Thoa kem lặp lại

Để duy trì khả năng che chắn và bảo vệ cho làn da của bạn thì sau 2-3h bạn nên bôi lại kem chống nắng để đảm bảo lớp kem đủ khả năng chống lại các tia tử ngoại.

Cần sử dụng kem chống nắng kể cả những ngày râm mát hoặc có nắng nhẹ .

Vì cứ xuất hiện ánh nắng mặt trời thì sẽ có sự hiện diện của tia UVA và UVB. Bên cạnh đó UVA có thể xuyên qua mây nên việc sử dụng kem chống nắng là cần thiết để bảo vệ da bất cứ khi nào ra ngoài trời có nắng.

Những biện pháp bổ trợ cùng kem chống nắng

Loại bỏ suy nghĩ rằng chỉ cần kem chống nắng là đủ, bên cạnh đó cần kết hợp những biện pháp khác để bảo vệ làn da của bạn như: hạn chế ra ngoài vào những thời điểm mà tia cực tím nhiều như từ 10 giờ sáng -15 giờ chiều. Nếu phải ra ngoài  vào giờ nắng nóng cao điểm, các bạn nên kết hợp sử dụng thêm các biện pháp chống nắng khác như: mặc quần áo dài tay, sử dụng găng tay, đeo khẩu trang, đeo kính râm,..

Để duy trì một làn da khỏe khoắn và mãi tươi trẻ từ bên trong thì việc sử dụng kem chống nắng chắc chắn là điều không thể bỏ qua. Bên cạnh đó bạn cũng cần biết cách sử dụng chúng sao cho đúng và kết hợp với các biện pháp chống nắng khác để mang lại sự bảo vệ tốt nhất cho làn da của bạn tránh khỏi các loại tia cực tím. 

Dược sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo

Chúng tôi thu thập cookies cho các mục đích khác nhau nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng trên trang web.
Bằng cách ấn vào “Đồng ý”, bạn đồng ý với cookie lưu trữ trên thiết bị của bạn. Bạn có thể từ chối bằng cách ấn vào nút "Không, cảm ơn". Lưu ý rằng, việc không đồng ý có thể ảnh hưởng tới trải nghiệm của bạn trên trang web. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm về cách chúng tôi sử dụng cookies tại Chính sách quyền riêng tư của chúng tôi.

Không, cảm ơn